Trải qua hơn 5 năm làm Product Management và cả Entrepreneurship/Intrapreneurship, có những lúc làm mentor, speaker thì rất nhiều lần mình nhận được câu hỏi “Em cần chuẩn bị gì, học gì, làm gì để trở thành Product Manager/Owner sau khi tốt nghiệp Đại học?” từ các bạn sinh viên, thậm chí là nhiều bạn đã đi làm 1-3 năm muốn chuyển sang làm Product Management. Ngoài các khóa học online/offline, đi thực tập để có trải nghiệm, nghiên cứu, đọc thêm sách, blog, … thì mình còn khuyên các bạn có thể thử đi thi khởi nghiệp nữa.
Câu chuyện của mình, từ một sinh viên IT, thử đi thi Khởi nghiệp rồi sau đó làm Product Management.
Từ một sinh viên IT, thử đi thi Khởi nghiệp rồi sau đó làm Product Management.
Có thể nói việc từng đi thi khởi nghiệp từ năm nhất Đại học (năm 2014, lúc đó các cuộc thi khởi nghiệp chưa phổ biến như bây giờ) cũng là một cơ duyên để mình nhìn thấy rằng mình phù hợp với ngành Product Management và bắt đầu với nó từ rất sớm, ngay sau khi ra trường.
Năm 2014, mình là một sinh viên thuộc chương trình Tài năng, Khoa CNTT, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ngay từ học kỳ I, năm nhất, mình đã cảm thấy việc học quá sâu về tech không khiến cho mình hứng thú, kèm với đó là một chút lo sợ vì trong lớp các bạn quá giỏi, mình đã từng nghĩ đến việc thi lại vào Ngoại thương, thời điểm đó mình thấy Business mới thực sự là thứ mình thích (rất may là thời điểm đó mình không thi lại, vì bây giờ mình nhận ra học về Tech lại rất có lợi khi làm Product).
Nhưng rồi, kết quả của HK1 năm đó là mình vào được Top 2 của lớp Cử nhân Tài năng (trước đó mình cũng là Á khoa đầu vào), từ đó mình tin là mình có thể làm được và có động lực để tiếp tục với ngành học này. Mình vẫn thích business, mình có hẳn một cuốn sổ ghi tất cả những ý tưởng mà mình muốn làm, từ một ứng dụng, một trang web, hay thậm chí là buôn bán gì đó, rất nhiều.
Sang học kỳ 2, mình tham gia cuộc thi “Tôi khởi nghiệp" do một CLB ở Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức với một ý tưởng trong cuốn sổ đó, một website, ứng dụng về nông nghiệp. Mình đã học và làm một kế hoạch kinh doanh đầu tiên trong đời, tất cả từ việc giải quyết vấn đề gì, giải pháp là gì, thiết kế nó, rồi đến cả kế hoạch tài chính, … và đi thuyết trình nhiều vòng.
Rất may mắn, tụi mình được vào chung kết nhờ sự nhiệt huyết của cả đội, lần đầu tiên mình lên sân khấu lớn với rất đông khán giả, để trình bày về dự án này. Từ đó, mình vẫn luôn cảm thấy business vẫn là một thứ gì đó mà mình rất thích, nên trong suốt 4 năm Đại học, mình đã rủ bạn bè làm một vài sản phẩm và thi một vài cuộc thi Khởi nghiệp khác nữa.
Nếu tìm hiểu về ngành Product, chắc hẳn các bạn đã từng thấy hình bên trên, Product Management là một công việc rộng, bao gồm Business, Tech và User Experience. Theo mình, hình này chưa đủ thể hiện được độ rộng (scope of work) cũng như chi tiết công việc của của một PM/PO, nhưng nó kể được câu chuyện của mình. Vì có tech background (Flex chút xíu thì sau đó mình tốt nghiệp loại Xuất sắc (GPA 9.0) với vị trí Á Khoa, Chương trình Tài năng, khoa CNTT, Đại học KHTN TPHCM) và một đam mê về business. Product Management là công việc có sự giao thoa giữa Tech và Business, việc học Tech, sau đó đi thi Khởi nghiệp và tự nhìn ra được đam mê về Business đã giúp mình đến với công việc này.
Vừa làm Product Management, vừa làm Intrapreneurship/Entrepreneurship, rồi lại thi Khởi nghiệp rất nhiều lần nữa.
Sau khi tốt nghiệp, mình làm một sản phẩm từ zero ở VNG Corp với scope rất rộng, không chỉ Product Management mà còn cả Monetization, Pre-sales, Solution Architect, đến Customer Support, gần như là một Intrapreneur. Sau đó, mình chuyển sang làm Product Management ở Chợ Tốt, đồng thời cũng là một mini-Entrepreneur với một social-impact startup be bé (weshare.asia). Đại diện WeShare, tụi mình tham gia rất nhiều cuộc thi Khởi nghiệp và đạt hơn 20 giải thưởng với nó
Với tất cả những trải nghiệm đó, mình khuyên các bạn sinh viên “muốn làm product, hãy thử đi thi Khởi nghiệp”. Tại sao lại như vậy?
Các điểm chung giữa Entrepreneurship & Product Management. Đi thi Khởi nghiệp sẽ học được gì tốt cho việc làm Product?
Thứ nhất, cả hai vai trò đều liên quan đến việc tạo và phân phối các sản phẩm giải quyết các vấn đề và tạo ra giá trị cho khách hàng.
Có nhiều điểm tương đồng trong Vai trò và Tư duy. Cả hai đều cần có cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp và thị trường, phải làm việc với các bên liên quan khác nhau để mang lại giá trị cho khách hàng. Điều này có nghĩa là bạn cần hiểu nhu cầu của khách hàng, bối cảnh cạnh tranh, đề xuất giá trị, mô hình doanh thu, cấu trúc chi phí, kênh phân phối, các chỉ số chính cũng như rủi ro và cơ hội. Bạn cũng cần giao tiếp và cộng tác với các nhóm và bộ phận khác nhau, chẳng hạn như tech, design, sales, marketing, finance, legal, v.v., để xây dựng và phát triển sản phẩm. Ở đây, tư duy giải quyết vấn đề (problem solving) đóng vai trò then chốt (mình sẽ có bài riêng về chủ đề này). Khi đi thi Khởi nghiệp, bạn sẽ được hỏi những câu hỏi liên quan đến những vấn đề ở trên. Tất cả đều xuất phát từ câu hỏi bạn giải quyết vấn đề gì, cho ai, bạn tạo ra giá trị gì, tại sao chọn bạn mà không phải sản phẩm của đối thủ, … Còn khi làm Product Manager, bạn phải tự hỏi (hoặc sếp bạn hỏi) và trả lời các câu hỏi đó.
Thứ hai, cả hai đều cần xác nhận các giả định của mình về sản phẩm và nhu cầu của khách hàng, sử dụng data insight và user insight để đưa ra một sản phẩm phù hợp.
Điều này có nghĩa là bạn cần tiến hành thử nghiệm và kiểm tra từ khách hàng và người dùng của mình, chẳng hạn như phỏng vấn, khảo sát, MVP, thử nghiệm beta, ... Bạn cũng cần đo lường và phân tích kết quả thử nghiệm của mình, sử dụng phương pháp định lượng và các phương pháp định tính, đồng thời liên tục cải thiện sản phẩm và mô hình của mình. Khi đi thi Khởi nghiệp, các bạn có thể không làm một cách chi tiết và “thật" nhất, có thể các bạn sẽ “chế" ra gì đó để bảo vệ cho mô hình của mình trước Ban giám khảo, nhưng cũng từ đó các bạn dần học được cách để đưa ra những quyết định tốt nhất. Còn khi làm một Product Manager, thì không được “chế" để bảo vệ ý tưởng, suy nghĩ của bạn, ngược lại còn phải rất khách quan nhìn nhận, đánh giá các insight từ user cũng như từ data để tạo nên một sản phẩm có giá trị nhất.
Thứ ba, cả hai đều cần khả năng trình bày và thuyết phục người khác.
Khi muốn tham gia các cuộc thi, bạn phải thuyết phục đồng đội của mình tham gia chung, thuyết phục các bạn tin vào mô hình, tin vào sản phẩm này sẽ đạt được kết quả cao, vì nó hay, nó có giá trị. Sau đó, bạn phải thuyết phục Ban giám khảo tin vào mô hình, tin vào sản phẩm, tin vào đội ngũ, … của bạn để đạt kết quả cao nhất ở cuộc thi, hoặc biết đâu đó thành một startup thành công thật thì sao. Để làm được điều đó thì bạn cần có kỹ năng giao tiếp tốt, trình bày rõ ràng, lớp lang, lập luận chặt chẽ dựa trên dữ liệu, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng phản biện giỏi. Một Product Manager cũng vậy, bạn phải làm điều đó với tất cả stakeholder của mình từ các phòng ban khác, các sếp, ngoài ra bạn còn phải quản lý kỳ vọng (manage expectation) từ họ nữa.
Thứ tư, cả hai đều cần đề cao tính ownership và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.
Là một Product Manager, bạn đóng vai trò như là một mini-CEO. Bạn phải điều phối, bạn phải lèo lái, bạn phải kéo những người liên quan vào để cùng bạn tạo ra sản phẩm có giá trị cho người dùng, cho khách hàng. Có thể bạn không lãnh đạo con người, không ai trực tiếp report cho bạn, tuy nhiên, bạn là một leader/facilitator trong các team, các dự án, các sản phẩm mà bạn tham gia. Ở cuộc thi khởi nghiệp, nếu bạn là người leader của nhóm đi thi, bạn cũng sẽ phải làm tương tự như vậy.
Cuối cùng, cả hai đều có scope of work rộng.
Bạn cần biết và làm rất nhiều thứ, làm với rất nhiều bên, từ tech, đến design, đến marketing, sales, operation và thậm chí là cả finance và legal. Ngoài chuyên môn, hiểu biết, điều này còn có nghĩa là bạn cần quản lý nhiều công việc liên quan đến việc phát triển và ra mắt sản phẩm của mình, sử dụng các kỹ năng quản lý thời gian và quản lý dự án. Bạn cũng cần ưu tiên các công việc, xem xét tính năng quan trọng và có tác động nhất đối với sự thành công của sản phẩm. Bạn cũng cần ủy thác một số nhiệm vụ và trách nhiệm cho những người khác có thể làm chúng tốt hơn hoặc nhanh hơn. Khi đi thi startup cũng vậy, mặc dù chưa bao giờ làm và cũng không chắc đã biết trước đó, nhưng bạn phải làm rất cả mọi thứ, kể cả mù tài chính bạn cũng phải làm financial projection.
Tổng kết
Đó là lý do mà khi nhiều bạn sinh viên hỏi mình thì mình còn khuyên các bạn tham gia các cuộc thi startup để xây dựng các kỹ năng, tư duy, … cần thiết của một Product Manager. Hy vọng đây cũng là một hướng tiếp cận để có nhiều PM giỏi trong tương lai. Hơn nữa, biết đâu lại sinh ra vài kỳ lân nữa cho Việt Nam thì sao.
Hãy để lại bình luận nếu bạn có câu hỏi, feedback hoặc một câu chuyện nào muốn chia sẻ nhé!