Không ít lần mình được hỏi về câu hỏi này, hoặc bạn bè và người thân hỏi “đang làm gì?”. Đối với mình đây là một câu hỏi khó trả lời (nên ban đầu mình cũng ngại viết)
Nếu trả lời rằng “PO/PM là người chịu trách nhiệm cho thành công của sản phẩm. Họ làm việc với nhiều bộ phận khác nhau để xác định tầm nhìn, phát triển chiến lược và quản lý vòng đời sản phẩm.” thì nghe quá trừu tượng,
Nếu trả lời rằng “PO/PM là CEO của sản phẩm” thì nghe hơi đao to búa lớn,
Nếu liệt kê công việc, kỹ năng thì quá nhiều vì scope of work quá rộng
Bài viết hay video về “Product Management là gì? Product Manager/Owner làm gì?” đã có rất nhiều rồi, nên mình không lặp lại nội dung đó nữa. Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn một góc nhìn đơn giản hơn về chủ đề này và nếu làm được thì mình tin các bạn sẽ thành công trong công việc Product Management.
Trong từ Product Manager/Owner, có 2 từ. Thứ nhất là Product, thứ hai là Manager/Owner.
Product
PRODUCT ở đây không phải chỉ là phần mềm, mà còn là các quy trình, tài nguyên, … liên quan đến nó, với mục tiêu cuối cùng là mang lại giá trị cho khách hàng. Ví dụ:
Nếu bạn làm sản phẩm cho một công ty giao nhận thương mại điện tử, thì các quy trình liên quan, SOP (Standard operating procedure) của shipper, hoạt động thực tế ở bưu cục giao nhận, hoạt động tại kho sorting, … cũng là một phần của sản phẩm của bạn. Tuy không trực tiếp quản lý và vận hành, nhưng bạn cần hiểu rõ và luôn nghĩ về giá trị cuối cùng mà tổng thể sản phẩm của bạn cung cấp cho khách hàng.
Nếu bạn làm sản phẩm cho bãi giữ xe, thì thiết kế và hoạt động của các thiết bị phần cứng liên quan cũng là một phần của sản phẩm.
Nếu bạn làm phần mềm quản lý cho một bệnh viện thì sản phẩm của bạn bao gồm từ lúc khách hàng đến bốc số cho đến lúc khám bệnh, chữa bệnh, chi trả viện phí, hồ sơ bảo hiểm, quản lý bệnh án và cả các dịch vụ sau đó.
Tóm lại, PRODUCT ở đây là tất cả những gì mang lại giá trị cuối cùng cho khách hàng chứ không phải chỉ là phần mềm. Với tư duy này, bạn sẽ luôn liên kết phần mềm mà bạn làm ra với các thực thể xung quanh để hướng đến giá trị cuối cho khách hàng, tức là hướng đến sự thành công của sản phẩm.
Manager/Owner
Tiếp theo, từ MANAGER/OWNER, ở đây mang nghĩa bạn là người quản lý, chịu trách nhiệm cho sản phẩm đó. Các bạn có thể đã đọc được đâu đó rằng “PM/PO là CEO của sản phẩm", câu này không mang nghĩa rằng PM/PO có quyền quyết định toàn bộ trên sản phẩm, mà nó thể hiện độ rộng công việc và trách nhiệm của một PM/PO đến sản phẩm.
Tại sao điều này lại quan trọng? Mình từng gặp PM/PO với cách làm việc như sau:
Khi team tech hỏi rằng “Chúng ta làm tính năng này để làm gì?” thì PM/PO trả lời rằng “Team business yêu cầu làm tính năng này.”
Khi team biz hỏi về tình trạng của một cái bug khá nghiêm trọng chưa được sửa, thì PM/PO trả lời rằng “Đã báo với anh A (Tech Lead) rồi.” và không có thông tin gì thêm. Sau đó team biz phải tự liên hệ với anh A để trao đổi lại và hỏi tiến độ xử lý.
Khi có một sự cố về hệ thống xảy ra, PM/PO bảo rằng: “Đó là vấn đề của Tech" và sau đó chỉ đợi cho sự cố được xử lý hoàn tất.
Đây là các ví dụ có thật cho thấy một tư duy về ownership rất có vấn đề mà PM/PO cần tránh. Với vai trò là một PM/PO, bạn cần hiểu rõ vấn đề, mục tiêu của sản phẩm, tính năng hay một dự án nào đó cần team làm. Thông thường, team biz sẽ đưa ra các yêu cầu về tính năng, và nhiệm vụ của PM/PO là cần hiểu được vì sao họ cần tính năng đó, khách hàng hay chính họ đang gặp vấn đề gì, nguyên nhân do đâu, tính năng ban đầu họ yêu cầu có giải quyết được vấn đề đó hay không (thường là không, hoặc dư, hoặc thiếu, hoặc không phải giải pháp tốt nhất), nếu không thì bạn đưa ra giải pháp như thế nào để đạt được problem-solution-fit. Từ đó, nếu có ai hỏi về tính năng đó thì chính bạn là người trả lời một cách mạch lạc và chặt chẽ về nó thay vì hỏi lại người yêu cầu. Để làm được điều đó không hề dễ, tuy nhiên, với tư duy “ownership" thì ít nhất bạn đã biết được rằng bạn cần làm như vậy.
Tóm lại
Product Owner/Manager chịu trách nhiệm cho thành công của sản phẩm, mang lại giá trị cho khách hàng và doanh nghiệp.