Mở đầu
Trong một video về Product Management (tham khảo tại đây), mình có chia sẻ về khung năng lực (competency framework) của một Product Manager. Trong đó, có chia thành 3 nhóm năng lực chính:
Product Development Process
People Skills
Domain Knowledge
Với mỗi nhóm năng lực kể trên, có rất nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mình muốn chia sẻ. Trong bài viết này, mình sẽ đưa ra một bức tranh chung cho nhóm năng lực thứ nhất: Product Development Process, để các bạn hình dung được tổng quan công việc của một Product Manager sẽ như thế nào.
Product Development Cycle Framework
Tổng quan
Strategic Planning
Vào đầu năm, công ty cùng các phòng ban (business, marketing, tài chính, vận hành, …) đều đưa ra các mục tiêu và kế hoạch tổng quan trong năm, không ngoại lệ đối với team Product Management.
Ở mức độ tổng quan này, team Product cần xác định được Mục tiêu sản phẩm (Product objectives) dựa vào Mục tiêu kinh doanh (Business objectives), bằng các hoạt động như nghiên cứu thị trường, phân tích đổi thủ cạnh tranh, đánh giá và sắp xếp độ ưu tiên, xác định các mục tiêu, xác định nguồn lực (nhân sự, ngân sách), và lập kế hoạch hoạt động hàng năm (AOP Planning).
Sau đó, mỗi quý, mỗi tháng, Product Team lại tiếp tục xây dựng Product Roadmap dựa trên các Mục tiêu kể trên, cũng như các cập nhật mới nhất về Customer Insight, Data Insight và Strategic Insight (tham khảo Bắt đầu một sản phẩm, một tính năng, một dự án từ đâu).
Kết quả của công việc này là một kế hoạch với những mục tiêu cụ thể và những dự án cụ thể được làm với return on investment cao nhất.
Bài viết về roadmapping (cách xây dựng roadmap) sẽ được đăng tải sớm, các bạn theo dõi nhé!
Discovery & Delivery
Ở phần Product Discovery và Product Delivery này, nhiều bạn có thể đã biết đến các khái niệm như Design Thinking hay Double Diamond Model. Trong phần này, bạn có thể sử dụng framework hay model nào cũng được, nhưng nhìn chung, nó đều là quá trình giải quyết vấn đề (problem-solving) bằng cách hiểu thật rõ vấn đề đang cần được giải quyết, đưa ra giải pháp sao cho problem-solution-fit. Từ đó tiến hành xây dựng, triển khai và đo đạc kết quả xem vấn đề ban đầu đã được giải quyết hay chưa.
Product Discovery và Product Delivery sẽ bao gồm nhiều bước tạo thành một vòng lặp liên tục. Bởi vì để giải quyết một vấn đề, đạt được mục tiêu, không dễ dàng thành công ngay ở giải pháp đầu tiên. Thậm chí, chính vấn đề hay mục tiêu ban đầu còn có thể không đúng.
Ở bước thứ thứ nhất, chúng ta cần xác định được vấn đề, nhu cầu của khách hàng, người dùng, dựa trên customer insight, data insight và market insight. Từ đó xác định được mục tiêu và các chỉ số cần đo đạc trong quá trình xây dựng và vận hành sản phẩm. Sau đó, trải qua 7749 bước, sản phẩm được released, thì bước cuối là đo đạc các chỉ số đã đề ra, để xem chúng ta có đạt được mục tiêu hay không.
👉 Nếu có, thì có vấn đề, cơ hội nào khác, có bài học gì không và cần làm gì tiếp theo?
👉 Nếu không, thì tại sao lại chưa đạt được kết quả đó, những suy đoán, lập luận, insight ban đầu có vấn đề gì, cần làm gì tiếp theo để đạt được mục tiêu, hoặc thậm chí có đổi mục tiêu hay không?
Có thể thấy, từ bước cuối cùng này, lại quay lại bước đầu tiên để xác định vấn đề cần giải quyết.
Ở bài viết này, mình chỉ dừng ở bức tranh tổng quan của Product Development Cycle Framework. Các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết của các bước chi tiết sẽ được chia sẻ ở các bài viết sau.